Niềm vui đến vào ngày 25/01, khi mình đã được nhận kết quả kì thi năng lực tiếng Nhật JLPT N3 tháng 12/2020 và mình đã đỗ với số điểm khá ổn 157/180. Đây là một mục tiêu mình đã đặt ra từ đầu năm và có một lộ trình mình tự xây dựng để học. Có thể đây là một thành tích chưa có gì là quá cao siêu nhưng mình hài lòng với những gì mình đã làm được và quá trình mình cố gắng mỗi ngày.
Bài viết này ghi lại những thông tin bên lề quanh việc học tiếng Nhật, quá trình mình đã học và định hướng học tiếng Nhật trong thời gian tới của mình.
Tại sao mình học tiếng Nhật?
Tiếng Nhật không phải là chuyên ngành chính của mình. Tuy nhiên, do ngành học của mình có liên quan đến thị trường Nhật Bản nên việc học tiếng Nhật là một yếu tố bắt buộc trong chương trình học. Đầu ra tiếng Nhật sau 4 năm học của mình là JLPT N3.
Mình không phải là một người quá đam mê các sản phẩm văn hóa Nhật Bản như manga hay anime nên đây không phải lý do mình muốn học tiếng Nhật. Thực ra là mình muốn thử sức học một ngôn ngữ tượng hình vì mình rất choáng khi mới tiếp cận và nghĩ rằng mình không thể bao giờ học được. Càng tò mò thích thú thì lại càng muốn thử sức chinh phục mà. Lúc đó mình đã chọn ra tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Nhật để chọn và cuối cùng thì mình chọn tiếng Nhật vì mình thấy nó phát âm hay :>
Mình học tiếng Nhật từ bao giờ?
Từ hồi cấp 3, mình cũng đã từng tìm hiểu sơ qua về tiếng Nhật và nắm được 2 bảng chữ cái cùng một số Hán tự và ngữ pháp đơn giản. Đồng thời thì hồi đó mình cũng xem phim Nhật khá nhiều nên mình đã từng tiếp xúc với tiếng Nhật trong một thời gian. Tuy nhiên thì mình chỉ tìm hiểu chơi chơi, và sau đó để tập trung cho kỳ thi THPT QG thì mình đã bỏ dở lại.
Khi lên đại học, lý do mình chọn ngành học hiện tại một phần là muốn có một sự ràng buộc để mình có động lực học tiếng. Một phần nữa thì việc thành thạo một ngôn ngữ nữa cũng sẽ giúp ích cho cơ hội nghề nghiệp sau này. Tiếng Nhật là một môn học bắt buộc trên trường của mình và mình học 10 tiếng mỗi tuần trên trường cùng thời gian tự học ở nhà. Chính xác thì mình bắt đầu học tiếng Nhật trên trường từ tháng 10/2019.
Quan điểm của mình về chứng chỉ ngoại ngữ
Trước giờ mình luôn không đặt nặng vấn đề chứng chỉ ngoại ngữ khi học. Một chứng chỉ ngoại ngữ cao không phải luôn đồng nghĩa với việc sử dụng ngoại ngữ thành thạo hay hiệu quả. Thành công khi học ngoại ngữ là có thể ứng dụng nó vào những mục đích thực tế mà bản thân mong muốn. Ở điểm này thì mình cũng hài rất lòng với việc học tiếng Nhật trong một năm qua. Mình đã có thể đọc hiểu và nghe hiểu những nội dung tiếng Nhật cơ bản. Nhiều bài hát năm ngoái mình nửa hiểu nửa mờ thì đợt này tự nhiên thấy thông suốt hơn hẳn.
Đợt này mình dự thi kỳ thi JLPT một phần cũng để đánh giá mức độ tiếng Nhật hiện tại của bản thân. Lý do chính thì có lẽ là mình muốn sớm đảm bảo đầu ra ngoại ngữ cho ngành học và có thể dành nhiều thời gian cho chuyên ngành chính trong những năm cuối. Mặc dù đã đỗ N3 nhưng mình cũng thấy bản thân hơi yếu ở hội thoại và viết tiếng Nhật, đều là những kỹ năng đòi hỏi sử dụng ngôn ngữ một cách chủ động. Đỗ chứng chỉ không phải là gì đó làm mình hài lòng với bản thân mà sẽ làm động lực để tiếp tục với mục tiêu đã đề ra trong năm tới.
Quá trình học tiếng Nhật của mình
Như đã chia sẻ ở trên, mình cũng đã nắm sơ sơ 2 bảng chữ cái hiragana và katakana hồi cấp 3, khi lên đại học thì mình được học lại bài bản từ đầu. Vì đã nắm từ trước nên khả năng tiếp thu hồi đó của mình cũng nhanh và không khó khăn lắm khi phải học 2 bảng trong vòng 2 tuần. Nhờ việc cày phim Nhật nhiều mà việc nghe và phát âm của mình cũng khá ổn, khởi đầu nói chung cũng khá suôn sẻ. Xong 2 bảng chữ cái thì chuyển sang Minna huyền thoại. Giai đoạn này tiến độ cũng không khá tệ nhưng thực sự là không có nhiều dấu ấn đặc biệt.
Bước ngoặt đầu tiên của mình là khi được bạn cùng lớp giới thiệu về cuốn “Remembering the Kanji” của James Heisig. Một cách tiếp cận rất “phi truyền thông” về việc học tiếng Nhật so với các giáo trình ở trung tâm hay trường học. Mình đã được gợi ý là sẽ học hết 2000 kanji thông dụng trước và coi rằng tiếng Nhật có 3 chữ cái. Nhiều người có lẽ sẽ hơi hoảng sợ khi tiếp xúc với kanji khi mới học tiếng Nhật nhưng thực sự kanji sẽ là tấm vé đưa bạn lên chuyến tàu siêu tốc mang tên “Nihongo”. Việc nắm được các kanji sẽ giúp việc học và nhớ từ vựng nhanh hơn, đồng thời rất giúp ích cho việc đọc hiểu.
Khi đó, mình đã bắt đầu học kanji kết hợp với ứng dụng Anki để nhắc lại (ứng dụng hệ thống nhắc lại ngắt quãng – spaced repetition systems). Mình học kanji cũng không quá ôm đồm nhiều thông tin mà chỉ ưu tiên nhớ mặt chữ, nghĩa và từ Hán Việt. Việc học kanji theo giáo trình trên có điều thú vị là không học theo cấp độ từ N5 – N1 mà từ các Hán tự dễ đến khó, vì vậy mình đã gặp Hán tự N1 ở những ngày mới đầu khi học luôn. Mỗi kanji sẽ là một câu chuyện phân tích theo bộ thủ để dễ nhớ mặt chữ hơn. Các kanji khó về sau đều được tạo từ các kanji ít nét phía trước. Đây là cách học theo phương pháp mnemonics và rất hiệu quả để học Hán tự cho tiếng Nhật và Trung. (có một quyển sách tương tự cho tiếng Trung đó, bạn nào học có thể tham khảo nhé, tên là “Remembering the Hanzi”).
Bắt đầu từ cuối năm 2019, đến đầu tháng 4 thì mình hoàn thành. Thực sự là một nỗ lực của mình khi đã cố gắng tạo một thói quen tự học tiếng Nhật 25′ mỗi ngày. Trong thời gian học Kanji thì mình vẫn duy trì việc học trên lớp với tiến độ cỡ 1 tuần 1 bài minna. Ngoài ra thì mình cũng học từ mới bằng giáo trình Tango N4. Sau đó mình chuyển sang Tango N3, rồi N2 và thường duy trì ở mức độ 50 – 70 thẻ một ngày. Đến khi dự thi JLPT thì mình cũng đã học được một nửa giáo trình Tango N2.
Mình rất quan trọng về vốn từ vựng, vì nó sẽ là những đơn phân nhỏ nhất cấu tạo nên ngôn ngữ. Tích lũy nhiều mảnh ghép Lego này sẽ giúp mình có thể xây dựng nhiều mô hình khác nhau. Lúc đã có một vốn từ khá ổn thì ngữ pháp của mình rất là tệ và chênh lệch luôn. Phần mình không thích nhất khi học ngoại ngữ là ngữ pháp, vì mình khá ghét mấy công thức khô khan và hơi nhàm, rất là những quy tắc, ngoại lệ cần nhớ khi sử dụng. Vì vậy mình đã lựa chọn việc đọc hiểu để tiếp xúc thụ động với các ngữ pháp này, do mình đã có từ vựng và kanji khá ổn. Thực sự là có một giai đoạn mình là khá loay hoay không tìm được phương pháp hiệu quả để học ngữ pháp.
Việc đọc nhiều giúp mình tiếp xúc với tiếng Nhật viết nhiều hơn và cũng lờ mờ nắm được một số cấu trúc ở mức N4, N3. Phải tầm đến đầu tháng 10/2020, mình mới quay lại học ngữ pháp một cách bài bản. Giáo trình mình dùng là Soumatome Bunpou N4 và N3. Mình phải học trước ngữ pháp vì trên lớp mới chỉ xong quyển 1 minna. Những cuốn soumatome khá hay ở chỗ được thiết kế thành 6 tuần học, mỗi ngày có một lượng bài nhất định, rất phù hợp để học mỗi ngày. Mình vẫn rất là loay hoay khi học ngữ pháp vào đợt đó và đã phải viết các ngữ pháp và câu ví dụ ra một cuốn sổ để rèn luyện cho nhớ.
Sau khi học hết giáo trình thì mình cũng chả thấy thấm vào đầu mấy. Thực sự là trầm cảm với ngữ pháp. Mình có tham khảo thêm giáo trình Shinkanzen Master N3, sách cũng khá là hay và có vẻ là khó hơn chút so với Soumatome. Vì cũng khá trùng với Soumatome nên ôn lại một lần nữa làm mình cũng nhớ nhớ hơn.
Mình cũng khá nản với việc học ngữ pháp khô khan mãi nên chuyển sang rèn kĩ năng đọc hiểu. Mình đọc hiểu khá ổn dù ngữ pháp hơi phèn. Có vẻ là do vốn từ và kanji ổn, đồng thời do có ngữ cảnh nên cũng có thể đoán được nghĩa các ngữ pháp. Việc đọc giúp mình phản xạ tốt hơn về việc đọc kanji, học từ mới và nhớ ngữ pháp. Mình thường đọc hiểu trong cuốn Soumatome Dokkai và Speed master dokkai. Ngoài ra thì còn ở NHK Easy News và blog tiếng Nhật.
Cuối cùng là kỹ năng nghe. Mình thích thú với việc nghe hơn, dù hơi choáng với tốc độ nhanh siêu tốc của người Nhật. Mình có nghe một số kênh podcast vào những giờ rảnh và lúc gần thi là các đề thi JLPT N3 cũ. Mình nghe khá là thường xuyên chứ không phải đến sau này mới nghe, mặc dù lúc đầu mình không hiểu lắm. Việc nghe thụ động cũng giúp mình có cảm giác hơn về tiếng Nhật. Ngoài ra thì mình cũng nghe theo sách Zettai Goukaku để luyện các dạng bài của đề N3. Nói chung là nghe để nắm dạng bài thôi, còn không cần phải bó buộc việc phải nghe đề. Mình nghe tiếng Nhật bất cứ thứ gì, miễn là mình thích là được, tất nhiên là cố gắng trong khả năng của mình thì sẽ thích thú hơn là vịt nghe sấm.
Sát đợt thi mình cũng không luyện đề nhiều hay học các mẹo làm bài thi nhiều lắm. Mình có làm thử một số đề cũ để quen dạng và phân bố thời gian cho hợp lý, đồng thời cũng để đánh giá các kỹ năng hiện tại của bản thân và điều chỉnh. Đến hôm đi thi thì đồ nghề cũng trang bị kha khá rồi, mang một tâm hồn đẹp vào phòng thi thôi. (nói vậy thôi chứ thi lần đầu cũng hơi bồn chồn, lo lắng)
Tóm lại thì quá trình của mình là bắt đầu từ kanji, xây một vốn từ vựng vững chắc, đọc và nghe nhiều hơn để ngấm tiếng Nhật và làm chủ ngữ pháp.
* Một số giáo trình mình đã sử dụng: tất cả mình đều dùng bản mềm và một số quyển mình chỉ tham khảo một số phần.
– Remembering the Kanji (James Heisig)
– Tango N4, N3
– Soumatome Kanji, Tango, Bunpou, Dokkai N3
– Shinkanzen Bunpou
– Speed Master Dokkai N4, N3
– Zettai Goukaku Choukai.
* App để học theo phương pháp hệ thống nhắc lại ngắt quãng: Anki
Bài học mình rút ra sau khi dự kỳ thi JLPT
Kỳ thi này là kỳ thi năng lực ngoại ngữ đầu tiên mình tham gia. Dù có đôi chút bỡ ngỡ nhưng cũng không có vấn đề gì xảy ra. Về các quy trình thủ tục thì cũng không có gì phức tạp. Đợt mình đăng ký cũng hơi sát hạn nên mình đã đăng ký online qua page Năng lực tiếng Nhật. Đến ngày thi cũng không cần thiết mang giấy dự thi mà chỉ cần CMT/CCCD là được rồi.
Mình hơi shock với bài nghe, mặc dù mình nhận kết quả là tối đa, nhưng lúc nghe mình cảm giác như bị lú luôn. Có lẽ là do nghe bằng loa, chất lượng âm thanh còn phụ thuộc vào loa và môi trường xung quanh nên hơi khác so với khi mình nghe ở nhà. Mình hơi bối rối khi làm bài nghe và không nghe được toàn bộ bài nói. Cũng may là nắm được đại ý nên vẫn có thể chọn được đúng các đáp án. Sau này luyện nghe, mình sẽ cố gắng nghe bằng loa ngoài và môi trường tạp âm hơn để quen hơn và nâng cao trình độ.
Mình thấy bản thân phân bố thời gian khá tốt khi làm bài thi, không bị hụt ở phần nào cả. Tuy nhiên là mình nên cẩn thận hơn khi làm bài Đọc hiểu. Phần đọc hiểu là phần mà mình cảm thấy tự tin hơn khi vào phòng thi và mình đã tưởng mình có thể ăn điểm gần tối đa cơ. Hơi tiếc với kết quả nhưng mình sẽ cẩn thận hơn ở những lần khác.
Định hướng trong thời gian tới
Mình dự định sẽ tham gia kỳ thi JLPT N2 đợt tháng 7 tới và sau đó sẽ tạm dừng việc học tiếng Nhật lại để tập trung cho chuyên ngành. Theo lời khuyên của thầy cô thì với điểm số N3 ổn, mình có thể học tiếp lên N2 với khả năng đỗ cao. Mình sẽ cân nhắc khả năng của bản thân trong thời gian tới và sẽ quyết định có tham gia hay không.
Dù có dự thi N2 hay không thì mình vẫn đang duy trì thói quen học tiếng Nhật mỗi ngày. Mình sắp hoàn thành quyển từ vựng Tango N2. Sau đó mình dự định sẽ chuyển sang học quyển Soumatome Kanji và Ngữ pháp, rồi luyện Đọc hiểu và Nghe hiểu thêm. Tin vui là mình đã học được một phương pháp hay để học ngữ pháp nhờ quyển Fluent Forever của Gabriel Wyner và mình sẽ thử áp dụng trong thời gian tới.
Tổng kết lại thì mình thấy rằng, yếu tố quan trọng để mình hoàn thành được mục tiêu của bản thân là ở việc nỗ lực phát triển mỗi ngày. Thứ giúp mình tiến bộ không phải là động lực muốn chinh phục tiếng Nhật mà là thói quen học tập mỗi ngày mình đã xây dựng và một tiến độ học tập hợp lý. Nhiều khi mình đã muốn bỏ dở giữa chừng vì chán nản với mức độ khó tăng dần của tiếng Nhật, trong khi những cố gắng của mình thì chưa nhìn thấy thành quả ngay. Nhưng thật may vì thói quen duy trì học tiếng Nhật mỗi ngày đã giúp mình không dám bỏ lỡ một ngày nào và là những viên gạch nhỏ góp vào cả quá trình lớn.